GIÁO DỤC TOÀN DIỆN, VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ HỘI NHẬP

Thông tin chung

Giới thiệu chung

Giới thiệu chung

Khoa Ngoại ngữ được thành lập ngày 22/12/2005 theo Quyết định số 315/2005/QĐ-TTg của Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Ban ngoại ngữ và Tổ Ngoại ngữ đào tạo hợp tác quốc tế.
Cán bộ, giảng viên trong Khoa luôn tích cực phấn đấu giảng dạy tốt, nghiên cứu khoa học hiệu quả để góp phần xây dựng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành một cơ sở đào tạo chất lượng cao theo định hướng ứng dụng, nhiều ngành, nhiều loại hình, nhiều cấp trình độ, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Giới thiệu chung

Để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội đáp ứng được những nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động, Khoa Ngoại ngữ luôn nỗ lực cải tiến phương pháp và nội dung giảng dạy, biên soạn và cập nhật, điều chỉnh các tài liệu học tập, ứng dụng những thành tựu công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Kể từ khi thành lập, đội ngũ giảng viên của khoa không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng kể từ ngày thành lập. Nhiều giảng viên khoa Ngoại ngữ có trình độ tiến sỹ, thạc sĩ và đang học nghiên cứu sinh tại các nước như Úc, Anh, New Zealand, Canada, Bỉ,...

I. Vị trí và chức năng

Khoa Ngoại ngữ (sau đây gọi tắt là “Khoa”) là đơn vị trực thuộc trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (sau đây gọi tắt là “Nhà trường”), có chức năng: tổ chức, quản lý và thực hiện các hoạt động đào tạo các chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật Bản, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, và các chương trình ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Việt) cho các ngành, nghề đào tạo khác trong Nhà trường; tổ chức cung ứng dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, khảo thí ngoại ngữ và tiếng Việt cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu trong và ngoài Nhà trường; thực hiện các chức năng khác theo quy định của pháp luật và Quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường.

Tên giao dịch tiếng Anh là: Faculty of Foreign Languages (tên viết tắt: FFL)

Trụ sở chính đặt tại: Tầng 3 – Nhà A2, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, P. Minh Khai, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.

II. Nhiệm vụ

1. Công tác quản lý hoạt động đào tạo chuyên môn

1.1. Đề xuất thay đổi về tổ chức, nhân sự, quy mô đào tạo của Khoa; đăng ký nhận nhiệm vụ đào tạo các trình độ, mở ngành, chuyên ngành đào tạo;

1.2. Xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy, học tập; tổ chức đào tạo chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật Bản, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, các chương trình ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Việt) cho sinh viên các cấp trình độ trong Nhà trường; tổ chức quá trình đào tạo và các hoạt động giáo dục khác trong chương trình, kế hoạch giảng dạy chung của nhà trường;

1.3. Xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng và nâng cao trình độ Ngoại ngữ cho cán bộ, viên chức trong Nhà trường;

1.4. Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, phát triển chương trình đào tạo và cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế;

1.5. Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và các đề án, dự án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Khoa, chủ động khai thác các dự án hợp tác quốc tế;

1.6. Quản lý nội dung, phương pháp, chất lượng đào tạo và quản lý chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa;

1.7. Tổ chức biên soạn, thẩm định chương trình, tài liệu, ngân hàng đề thi cho các học phần, môn học theo nhiệm vụ được Nhà trường giao; tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị dạy - học, thực hành, thực tập;

1.8. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giảng viên, nhân viên và người học trong khoa; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bố trí công việc phù hợp cho cán bộ, giảng viên và nhân viên thuộc khoa;

1.9. Đề xuất xây dựng và lập kế hoạch trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học của khoa; tổ chức quản lý, khai thác, bảo trì và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất được trang bị;

1.10. Điều tra, thu thập thông tin phản hồi từ thị trường, đơn vị sử dụng sản phẩm đào tạo; đề xuất thay đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, nội dung đào tạo theo yêu cầu của thực tiễn;

1.11. Thực hiện đào tạo ngắn hạn; giới thiệu việc làm, đưa học sinh, sinh viên đi thực tập…tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

1.12. Đánh giá tổng kết việc giảng dạy của giáo viên, giảng viên cuối học kỳ, năm học và khóa học. Đề xuất, giới thiệu các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia vào hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Khoa;

1.13. Phối hợp với các đơn vị chức năng, tổ chức các hoạt động thi và kiểm tra; tiếp nhận và giải quyết những thắc mắc, khiếu nại về kết quả học tập của người học do khoa quản lý;

1.14. Đề xuất việc khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức, học sinh, sinh viên thuộc khoa quản lý;

1.15. Đề xuất Hiệu trưởng xét học tiếp, tạm dừng học, thôi học, chuyển ngành, chuyển trường cho học sinh, sinh viên do khoa quản lý;

1.16. Tổ chức hoạt động thi giáo viên giỏi, học sinh, sinh viên giỏi cấp khoa theo kế hoạch hàng năm. Chọn, cử giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia các kỳ thi cấp trường và cao hơn;

1.17. Quản lý, đánh giá viên chức và người học thuộc khoa theo phân cấp của Hiệu trưởng;

1.18. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường phân công.

2. Công tác quản lý hoạt động bồi dưỡng, khảo thí ngôn ngữ theo nhu cầu

2.1. Xây dựng quy hoạch phát triển, kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu của người học trong và ngoài Nhà trường;

2.2. Quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho người học;

2.3. Tổ chức thực hiện thi kiểm tra, đánh giá, cấp chứng nhận, chứng chỉ về ngoại ngữ cho người học có nhu cầu theo qui định;

2.4. Thực hiện chế độ tự chủ về nhân sự và tự hạch toán về tài chính cho các hoạt động dịch vụ ngoại ngữ;

2.5. Thực hiện kí kết hợp đồng dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật;

2.6. Thực hiện các dịch vụ khác có liên quan đến ngôn ngữ như biên dịch, phiên dịch, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài… cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu;

2.7. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được cấp có thẩm quyền giao.

III. Các hoạt động khác

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu Khoa học, Khoa ngoại ngữ tổ chức nhiều hoạt động khác thu hút sự quan tâm, tham gia sôi nổi, nhiệt tình của sinh viên toàn trường: các hoạt động của Đoàn Thanh Niên, Hội sinh viên; Hoạt động Cộng đồng học tập Ngoại ngữ thông qua mô hình Câu lạc bộ ngoại ngữ, gia sư, ngoại khóa với sự tham gia, cố vấn của các giảng viên, chuyên gia và tình nguyện viên nước ngoài. Tất cả các hoạt động đều mang đến những trải nghiệm mới mẻ, thú vị và hữu ích cho sinh viên và học viên tham gia.

Giới thiệu chung

- Hoạt động cộng đồng học ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật) gồm các hoạt động chính, cụ thể:

+ Câu lạc bộ E4U (tiếng Anh), Câu lạc bộ C2 (tiếng Trung), Câu lạc bộ K4U (tiếng Hàn): Tạo môi trường học ngoại ngữ giao tiếp thân thiện, hòa đồng để sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp, giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm, hình thành thái độ tự tin, hợp tác thông qua các hoạt động tương tác cặp, nhóm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm học tập.
+ Hoạt động gia sư: Giúp các em sinh viên có thêm thời gian củng cố kiến thức đã học trên lớp thông qua việc lập các nhóm học tập ngoài giờ dưới sự hỗ trợ của các giảng viên, sinh viên khoa Ngoại Ngữ và sinh viên có năng lực Tiếng Anh giỏi.
+ Các lớp ngoại khóa: là lớp học bổ trợ với giảng viên của khoa Ngoại ngữ và giảng viên nước ngoài có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cao. Nội dung giảng dạy được xây dựng nhằm hỗ trợ sinh viên trong việc củng cố kiến thức và kĩ năng được học tại các lớp chính khóa; tạo môi trường dạy và học thân thiện, giúp sinh viên có cơ hội hoàn thiện và thể hiện bản thân.

IV. Các thành tích nổi bật

Tập thể Khoa Ngoại ngữ và nhiều giảng viên trong Khoa đã được tặng Huân chương, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Công thương, của Công đoàn Công thương Việt Nam, thành tích tiêu biểu::

+ Năm 2014: Huân chương Lao động Hạng Ba của Thủ tướng Chính phủ;

+ Năm 2013: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;

+ Các Năm 2008, 2011, 2012: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương;

Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học luôn được Ban Chủ nhiệm Khoa Ngoại ngữ và cán bộ giảng viên đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Khoa Ngoại ngữ là một trong những khoa có nhiều thành tích trong phong trào thi Giáo viên dạy giỏi các cấp. Nhiều giáo viên đạt các thành tích cao trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố và Quốc gia, tiêu biểu như:

+ Năm 2003: Cô giáo Phạm Thị Bích Hảo đạt giải Nhì Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố, giải Nhì Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia.

+ Năm 2004: Cô giáo Hoàng Thị Thu Thuỷ giành giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố.

+ Năm 2006: Cô giáo Lê Mai Vân đạt giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố, giải Ba Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia.

+ Năm học 2010: Cô Bùi Thị Ngọc đạt giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố.

+ Năm học 2012: Cô Lê Thị Ngọc Hà đạt giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố.

+ Năm học 2013: Cô Lê Thị Ngọc Hà đạt giải Ba Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia.

+ Năm học 2014: Cô Cao Thị Hải Hằng đạt giải Nhất, cô Vũ Thị Phương Thoa đạt giải Nhì, cô Nguyễn Thị Minh Hạnh đạt giải Ba Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố.

+ Năm học 2016: Cô Nguyễn Thị Minh Thảo đạt giải Nhất, cô Trần Thị Dung đạt giải Nhì, cô Trần Thị Huyền đạt giải Ba Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành Phố

V. Tổ chức đoàn thể

1. Công đoàn bộ phận

Giới thiệu chung

Phần lớn công đoàn viên đều trẻ, nhiệt huyết và luôn tích cực phấn đấu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Luôn tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt động, phong trào đoàn thể do Công đoàn Trường và Công đoàn Cấp trên phát động.

CĐBP Khoa Ngoại ngữ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác tham gia quản lý, tổ chức các phong trào, hành động trong CNLĐ; Công tác hoạt động xã hội, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ; Công tác tuyên truyền giáo dục, xây dựng đội ngũ CNLĐ; Công tác hoạt động của Nữ CNLĐ; Công tác hoạt động tài chính và chăm lo xây dựng CSVC của tổ chức công đoàn; Công tác xây dựng tổ chức công đoàn, thành tích tiêu biểu:

+ Năm 2011, 2012: Bằng khen của Công đoàn Công thương Việt Nam;

+ Năm 2013: Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

Tập thể CĐBP Khoa Ngoại ngữ luôn quyết tâm tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết nhất trí, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

2. Đoàn thanh niên, Hội sinh viên

Giới thiệu chung

LCĐ Khoa Ngoại ngữ luôn đóng vai trò tích cực trong việc tổ chức các phong trào thi đua học tập, định hướng tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên, tạo không khí sôi nổi, hứng khởi thông qua các cuộc thi như Sinh viên yêu thích Tiếng Anh Let's go, Tìm kiếm tài năng ngôn ngữ E4U's Got talent, tìm kiếm tài năng Hán ngữ, Lễ hội Halloween, Chương trình giao lưu văn hóa Việt- Hàn, Việt – Nhật, Hội thi văn hóa, thể dục thể thao, ...
Trong những năm qua LCĐ Khoa Ngoại ngữ luôn được đánh giá là 1 trong những đơn vị xuất sắc có nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên của Nhà trường nói chung và của khoa Ngoại ngữ nói riêng.
* Các hoạt động nổi bật: Bên cạnh các hoạt động chung của Đoàn trường, BCH LCĐ luôn tìm tòi, sáng tạo các hoạt động thiêt thực, phù hợp với đặc thù của sinh viên khoa NN. Điển hình là việc vận hành mô hình sinh hoạt Câu Lạc Bộ Tiếng Anh E4U, CLB tiếng Trung C2, CLB tiếng Hàn K4U. Đây là sân chơi thực sự hữu ích, thiết thực và nhận dược sự hưởng ứng đông đảo của đoàn viên LCĐ. Qua các hoạt động CLB, đoàn viên LCĐ được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, được thực hành các kỹ năng ngôn ngữ thông qua các bài thuyết trình, các trò chơi vui nhộn, các ca khúc, các câu chuyện đời thường… Từ đó hỗ trợ đắc lực cho các bạn trong việc hoàn thiện các kỹ năng giao tiếp cơ bản, các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình … và đặc biệt giúp các bạn thấy tự tin hơn trong giao tiếp, học tập hiệu quả hơn.
Tổ chức hoạt động hỗ trợ các kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên như Hội thảo “Đánh thưức tiềm năng trẻ”, Hội thảo việc làm v.v.

Tổ chức hoạt động tình nguyện: Hoạt động tình nguyện tiếp sức mùa thi, đón tân sinh viên nhập học, tình nguyện phục vụ kỳ thi Olympic Tin học Việt Nam, Lập trình ACM/ICPC Quốc tế, tình nguyện 5S – giữ gìn vệ sinh khu giảng đường, khu vực chung, hàng trăm lượt đoàn viên nhiệt tình tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo

* Phương hướng hoạt động: Trong thời gian tới, LCĐ Khoa Ngoại ngữ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, phong trào của Đoàn thanh niên, tổ chức thêm nhiều hoạt động thiết thực và bổ ích cho Đoàn viên sinh viên, tập huấn nghiệp vụ Đoàn cho các cán bộ Đoàn trong LCĐ góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

VI. Phương hướng phát triển của Khoa

Trong thời gian tới, cán bộ, giảng viên khoa Ngoại Ngữ sẽ tiếp tục duy trì và không ngừng phát triển về chuyên môn cũng như phương pháp sư phạm để ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn ngoại ngữ trong nhà trường. Chuẩn bị tốt kiến thức và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ cho sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hoặc yêu cầu về trình độ ngoại ngữ ở các bậc đào tạo cao hơn.

Khoa sẽ tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng các đề án ngoại ngữ theo hướng chỉ đạo của đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 và đưa vào triển khai thực hiện; phấn đấu đến năm 2020, đảm bảo trình độ ngoại ngữ của cán bộ giáo viên, chuẩn đầu ra ngoại ngữ của sinh viên trong nhà trường đáp ứng được chuẩn yêu cầu như trong Đề án Ngoại ngữ Quốc Gia 2020.
Bên cạnh đó, công tác đánh giá, cải tiến các chương trình đào tạo ngoại ngữ trong nhà trường được thường xuyên thực hiện để đảm bảo tính cập nhật và tính hiệu quả cao trong đào tạo.

Đối với đội ngũ giảng viên, 100% giảng viên giảng dạy hệ đại học có trình độ từ thạc sỹ trở lên trong đó số lượng giảng viên có trình độ tiến sỹ sẽ tăng dần theo từng năm, đến năm 2020 sẽ có ít nhất 15% giảng viên cơ hữu trong khoa có trình độ tiến sỹ.